Trước tình hình biến đổi khí hậu đang xảy ra, thời tiết thay đổi thất thường, bệnh cúm mùa có nguy cơ lây lan và bùng phát rất cao. Sau đây nhân viên y tế Trường Tiểu học Hồng Hưng xin gửi tới toàn thể Cán bộ giáo viên, nhân viên cùng các em học sinh bài tuyên truyền tìm hiểu về bệnh cúm mùa và cách phòng tránh:

- Bệnh cúm mùa là gì?
Là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người sang người, có khả năng gây thành đại dịch và biến chứng hô hấp có thể gây tử vong. Bệnh Cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn.
- Cơ chế lây bệnh?
Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với vi rút từ người bệnh thông qua dịch tiết khi hắt hơi, sổ mũi trong thời gian từ 1 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
- Dấu hiệu của bệnh cúm mùa:
– Sốt (trên 38 độ) kéo dài 2-3 ngày; – Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi; – Hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi; – Ho (ho khan hoặc ho có đờm); – Đau họng và sổ mũi: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, đau tai, ngứa và khô cổ họng, ho. – Ăn không ngon, mệt mỏi. – Khả năng vị giác và khứu giác có thể bị giảm, khan giọng, nói như nghẹt mũi.
- Bệnh cúm mùa có gây biến chứng không?
Mọi người dễ bị nhầm lẫn cúm mùa và cảm thông thường vì dấu hiệu tương tự nhau nên chủ quan, xem nhẹ việc điều trị mà không biết rằng biến chứng bệnh cúm mùa khá nguy hiểm như gây viêm phổi, suy hô hấp… Các bệnh viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… cũng có khởi nguồn từ việc không điều trị kịp thời cúm mùa.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ có thai bị cúm mùa sẽ rất nguy hiểm vì giai đoạn này thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển các bộ phận của cơ thể, thai nhi có nguy cơ bị dị tật, sảy thai hoặc thai lưu nếu mẹ nhiễm cúm mùa.
Sưng phù ở gan và não là biến chứng bệnh cúm mùa nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao, thường gặp ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi. Trẻ em và người lớn tuổi sẽ bị cúm mùa tấn công gây di chứng nặng nề nếu không điều trị và phòng tránh
- Làm gì khi mắc cúm mùa?
Nếu bản thân có các dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm như trên thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang để phòng lây nhiễm. Đồng thời cũng nên phòng tránh truyền nhiễm bệnh sang người khác, bằng cách:
– Không khạc nhổ bừa bãi.
– Khi ho hay hắt xì nên lấy khăn giấy che mũi, che miệng
– Vệ sinh nhà ở sạch sẽ, mở cửa phòng cho thoáng, nhiều ánh sáng…
– Vệ sinh môi trường thông thoáng, không vứt rác tùy tiện…
- Cách điều trị bệnh cúm mùa
Giảm nhẹ và loại bỏ triệu chứng là mục tiêu chính của các cách điều trị bệnh cúm mùa.
Người bị cúm mùa có thể tự điều trị tại nhà nếu ở mức độ nhẹ; còn ở mức độ nặng, người bị cúm mùa cần phập viện để được điều trị và chăm sóc phòng ngừa nhiễm khuẩn thứ phát.
- Các biện pháp khác để phòng ngừa cúm:
Để chủ động phòng cúm, mọi người nên thực hiện các biện pháp:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
- Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ nếu không thật sự cần thiết.
- Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
- Tiêm phòng vắc xin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của dịch cúm
Tại Việt Nam, vắc xin cúm mùa được chỉ định tiêm phòng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi và người lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các loại vacxin cúm đã được chứng minh làm giảm khả năng mắc và tử vong do cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, và virus cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc xin cúm nhắc lại hằng năm.
Bệnh cúm có thể lây lan mạnh và trở thành “sát thủ” cho cả gia đình, cộng đồng ở bất kỳ thòi điểm nào trong năm. Trẻ em và người lớn cần chủ động tiêm phòng cúm đúng lịch, đủ liều để gia tăng miễn dịch dị hợp, giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm mùa trong cùng một thời điểm./.
Người viết bài: Phạm Thị Nguyện - Nhân viên y tế